0937.621936

CÁC QUYỀN LỢI KHI SINH CON BẠN NÊN BIẾT

 

Quyền lợi của nữ giới trong môi trường lao động ngày càng được xã hội quan tâm và đang ngày càng được cải thiện tốt hơn nhờ các quy định của pháp luật. Vậy, khi đang trong thời kỳ thai sản, lao động nữ có thể được hưởng chế độ thai sản như thế nào theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sau đây gọi tắt là “Luật BHXH”)?

Người lao động nữ có thể được hưởng các quyền lợi sau khi sinh con bao gồm:

1. Nghỉ việc theo chế độ thai sản

Khi lao động nữ mang thai: Điều 32 Luật BHXH quy định lao động nữ sinh con được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày.

Khi lao động nữ sinh con: Điều 34 Luật BHXH quy định, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trợ cấp một lần sau sinh

Lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.

– Theo quy định của Thông tư 78/2022/TT-BTC, mức lương cơ sở tại thời điểm trước ngày 01/07/2023 là 1.490.000 (Một triệu bốn trăm chín mươi nghìn) đồng/tháng, do đó mức trợ cấp một lần khi sinh con của lao động nữ sẽ là 2.980.000 (Hai triệu chín trăm tám mươi nghìn) đồng.

– Đối với lao động nữ sinh con từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 (Một triệu tám trăm nghìn) đồng/tháng, do đó mức trợ cấp một lần khi sinh của lao động nữ sẽ là 3.600.000 (Ba triệu sáu trăm nghìn) đồng.

3. Mức hưởng chế độ thai sản

Trong 06 tháng nghỉ theo chế độ thai sản, người lao động không đi làm nhưng được bảo hiểm xã hội trả trợ cấp thai sản 06 tháng bằng với tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (không phải lương thực nhận) như sau:

 Mức hưởng một tháng = (Mbq6t x 100% x L).

Trong đó:

– Mbq6t : Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

– L: Số tháng nghỉ việc do sinh con.

4. Nghỉ dưỡng, phục hồi sức khoẻ và nhận trợ cấp tiền dưỡng sức sau sinh

Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật BHXH, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày và được hưởng trợ cấp tiền dưỡng sức sau sinh mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

– Lao động nữ sinh con tại thời điểm trước ngày 01/07/2023  nhận được 447.000 (Bốn trăm bốn mươi bảy nghìn) đồng/ngày

– Lao động nữ sinh con từ ngày 01/07/2023 nhận được 540.000 (Năm trăm bốn mươi nghìn) đồng/ngày.

5. Đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Căn cứ theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định thì thời gian 06 tháng nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế. Do đó, người lao động nữ được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí mà không phải đóng tiền hằng tháng và được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm xã hội miễn phí.

Tuy nhiên, đối với bảo hiểm thất nghiệp, trong 06 tháng nghỉ thai sản, lao động nữ không được cơ quan đóng bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động cần lưu ý để tính toán quyền lợi cho việc nhận thất nghiệp khi nghỉ việc.

Ngoài lao động nữ được hưởng các quyền lợi về chế độ thai sản thì lao động nam khi tham gia bảo hiểm xã hội cũng được hưởng một số quyền lợi như trên.

Nếu có thắc mắc, cần tư vấn về chế độ thai sản hoặc các lĩnh vực khác, Quý khách vui lòng gọi đến Hotline: 0937 621 936.

Và theo dõi fanpage https://www.facebook.com/HanhMinh.Law để cập nhật thông tin pháp luật sớm nhất.